SỰ TÍCH ĐÔNG HẢI ĐẠI VƯƠNG

ĐÌNH HÀ KHÊ

(Ông Nguyễn Văn Chu - giao chuyển tháng 07 năm 1952)

          Xưa kia ở chợ Hồng Châu, quận Đông Hải, có một nhà họ Đoàn tên Trung, vợ là Nguyễn Thị Khang. Vợ chồng vốn là người tích đức tu nhân, cứu nghèo giúp khổ, một chút ý hại người chẳng mảy, nửa giây tơ tư lợi cũng không. Phàm những việc cứu giúp người đời và các phương làm phúc cứu dân, không có việc nào là chẳng gắng tâm tận sức vẹn tròn.

          Một hôm, trời sáng trăng thanh, hai vợ chồng nằm chơi tại phòng đọc sách, thưởng hoa ngoạn nguyệt, bỗng nhiên mơ màng vào giấc, ánh sáng hồng rực rỡ đầy nhà, chợt thấy thằn lằn từ phía tây hiên đến, biến hóa thành một đôi khổng tước. Bà họ Nguyễn bắt được một con đem vê, mộng vàng chợt tỉnh. Từ đấy Bà mang thai, 11 tháng tròn, vừa ngày tháng tám, mùa thu năm Tân Sửu thì sinh một cậu con trai, khôi ngô tuấn tú, kỳ vĩ khác thường, cao lớn hơn thường vạn vạn. Cậu bé vừa đầy tuổi tôi đã biết nói, lên 5 tuổi đã tường âm luật, rất được mẹ cha yêu quý. Ông bà bèn đặt tên là ông Thượng. Năm 15 tuổi, đã tỏ ra có chí lớn, tài xoay trục đất, chí cứu nước giúp dân. Than ôi, cuộc đời thay đổi khôn lường, tai họa thường hay dồn dập. Năm 19 tuổi, ông mắc bệnh đồi qua đời; Bà mẹ cũng mất theo. Ông Thượng kêu khóc thảm thiết, kêu trời gọi đất. Thế tình chẳng biết làm sao, bèn chọn nơi đất tốt làm lễ mai táng. Hương hỏa thờ phụng suốt 3 năm liền. Ông thường khóc than rằng: “Bãi biển nương dâu thay đổi, cha mẹ ta tu nhân tích đức, ơn sinh dưỡng cù lao mà nay một chút chưa thể báo đền. Ngày sau dẫu có muôn chung nghìn vạc khôn gặp mẹ cha để được báo đền”.

          Năm 23 tuổi, ông vào triều ứng thí, đỗ khoa Mậu tài. Vua (Lý) Cao Tôn liền phong làm Thị Tòng Tham Quan, trông coi chính sự trong triều. Được mấy năm, bấy giờ Hoàng tử mới sinh, Nhà vua bèn sai ông Thượng kén người nhũ mẫu trung thành để nuôi thái tử. Ông bèn tiến dâng bà nhũ trước đã nuôi mình để nuôi Thái tử. Đến ngày Nhà vua thăng hà, Thái tử lên ngôi Hoàng đế gọi là Thuận Tôn[1], thấy ông Thượng là người cùng nhũ mẫu với mình, bèn phong là Tham tán Đại phu, đeo gươm vào chầu, bước lên điện không phải đi nhanh. Từ ấy, ông trông nom công việc trong triều, trải qua đời Thuận Tôn đến đời Nghệ Tôn[2] là lúc nhà Lý sắp mất, ý trời cáo hung. Vua Nghệ Tôn không có con trai, lại mắc bệnh đậu (anh bệnh), chỉ sinh được hai người con gái, người con lớn tên là công chùa Thiên Hinh, gả cho Trần Liễu, người con thứ hai tên là công chúa Phật Kim, tư tình với Trần Cảnh. Thế là quyền lớn trong thiên hạ đều thuộc về họ Trần cả. Đến khi vua Nghệ Tôn xuất gia đi tu, bèn truyền ngôi cho người con gái út Phật Kim, gọi là Chiêu Hoàng. Chiêu Hoàng bèn truyền ngôi cho chồng là Trần Cảnh, gọi là Trần Thái Tôn. Lúc bấy giờ, các bậc trung thần nghĩa sĩ, đều từ chức lui về. Ông Thượng căm tức vô cùng, bèn rút kiếm bỏ chạy về Hồng Châu, kêu gọi dân chúng tụ hội bè đảng xây dựng đồn lớn, đào hào đắp lũy ở An Nhân, quay mặt về hướng Đông, mà xưng vương, tự lập làm Đông Hải Đại Vương, chống nhau với họ Trần. Họ Trần không sao chế ngự nổi. Khi ấy, đạo Kinh Bắc do Nguyễn Nộn chiếm cứ, ông Thượng muốn dành được cả vùng Đông Nam, để khôi phục họ Lý, bèn giao đồn lũy cho Thái tử Đoàn Văn coi giữ, tự mình thân đem xe ngựa và mấy chục gia thần đến đóng ở đất Tây Nam, chiêu dụ các cựu thần họ Lý, được một người tên là Đông Bảng, một người tên là Nam Bính.

          Lúc bấy giờ ở trang Hồng Khê, huyện Duy Tiên, phủ Lý Nhân, nguyên trước kia tổ tiên của hai ông vốn là người ở châu Bố Chính, gặp buổi loạn ly, mới dời cư đến trang Hồng Khê. Trải 3 đời, mới sinh ra thân phụ hai ông là Phan Công Tá, bà mẹ là Dương Thị Khương. Ông bà cũng là người khoan hồng độ lượng, đạo cao đức cả.

          Một hôm, nằm mơ thấy hai con gấu nhẩy múa ở trước sân. Một con từ phương Đông đến. Một con từ phương Nam đến. Bà họ Dương bắt được cả hai. Thế rồi, bà có mang. Đến ngày mồng 3 tháng giêng, mùa xuân, bà sinh một bọc hai trai, bèn theo mộng ứng đặt tên con lớn là ông Đông, người con thứ hai là ông Nam. Đến năm Nhâm Dần đời Lý Cao Tôn mở khoa cầu hiền, hai ông đều đăng khoa chiếm bảng, làm quan ở triều Lý tới chức Điện tiền chỉ huy sứ, đến khi họ Trần cướp ngôi, hai ông bèn cáo quan trở về trang Hồng Khê, ở nhà dạy học. Đến khi Đông Hải đại vương tới phủ Lý Nhân, hai ông nghe tin đại vương có chí tôn phò nhà Lý bèn đến theo. Nhân dân trang Hồng Khê làm lễ chúc mừng. Ông Thượng gặp được hai ông rất là vui vẻ, bèn nói với hai ông rằng: “Chúng ta có ba người, anh em xin đồng tâm hiệp sức khôi phục nhà Lý để lại tiếng thơm cho đời sau, há chẳng tốt đẹp lắm sao?”. Nói xong bèn sai các binh sĩ gia thần cùng nhân dân trang Hồng Khê xây dựng cung điện, tuyển chọn người khỏe mạnh ở trang Hồng Khê, mỗi họ mấy người, tổng cộng được 38 người dùng làm tay chân giúp việc, lại phát hịch kêu gọi hào kiệt ở các phủ huyện đồng tâm báo quóc, trượng nghĩa trừ tàn, nếu sau này bình yên, sẽ cùng nhau chung hưởng thái bình. Lúc bấy giờ người đén ứng mộ được hơn 2 vạn người, hội họp ở cung sở Hồng Khê, giết trâu mổ bò, khao thưởng tướng sĩ. Khi ấy ông Thượng cùng hai ông Đông Bảng, Nam Bính bèn cho mời các phụ lão ở trang Hồng Khê đến cùng uống rượu, chính lúc đó ba ông bèn nói rằng: “Bây giờ bọn ta, chạy đông chạy tây, ôm ấp ý chí khôi phục nhà Lý, há có thời giờ cùng nhân dân hưởng vui hay sao? Nay có hành cung ở ngay trong ấp dân; chúng ta lại ban cho 5 lạng vàng giao cho nhân dân mua lấy ao ruộng để làm nơi hương hỏa thờ thần sau này”. Lúc ấy phụ lão nhân dân, ai nấy vâng mệnh lễ tạ. Ba ông bèn đem tướng sĩ và gia thần quay trở về ấp chính An Nhân đánh nhau với nhà Trần, trước sau đến mấy chục trận, đều thu được toàn thắng. Họ Trần không sao chế ngự nổi.

          Than ôi! Ngôi thần khí là rất tôn quý, mệnh trời có đó, không thể nào dùng tài trí mà mưu tính được. Một hôm nhà Trần bàn mưu với nhau rằng:

          “Nay Đoàn Thượng, Nguyễn Nộn đều là hổ dữ ngồi ở miền đông bắc, mà nước nhà mới dựng, lòng người chưa phục, chưa thể dùng vũ lực định yên được, không bằng đặt mưu để cho Thượng, Nộn đánh nhau. Hai hổ chọi nhau, thế không cùng tồn tại được. Lúc bấy giờ ta sẽ thừa cơ tiến đánh ắt hẳn thành công và thống nhất được thiên hạ. Đó là kế thả hổ buộc rồng vậy”.

          Lúc bấy giờ Trần Thái Tôn bèn gửi thư cho Nộn, bảo Nộn nếu như bắt được Thượng thì sẽ chia ba thiên hạ cho làm vua. Nộn biết được, bèn sai sứ đưa lễ đến cho Thượng xin giảng hòa, có lời rằng:

          “Trước kia tôi vốn không biết ngài có chí phò Lý diệt Trần. Nay đã biết được, xin cùng hòa giải, để làm thế môi răng nương tựa nhau”.

          Thượng vốn tính khoan hậu, đại lượng, cả tin tiếp đãi sứ giả của Nộn, bèn hẹn ước làm lễ ăn thề ở xứ Đồng Đao. Lòng ông Thượng rất tin, nên không phòng bị, chỉ mang theo mấy chục gia nhân đến xứ Đồng Đao. Chưa kịp làm lễ, quân mai phục của ông Nộn hò reo bốn phía kéo đến đánh úp bao vây mấy chục vòng. Ông Thượng vừa đánh vừa phá, không sao thoát ra khỏi vòng vây, bèn ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Đem quân ra trận, chưa đánh nhau mà thân đã chết, thật khiến cho kẻ anh hùng lệ thấm đầy vạt áo”. Than xong bèn rút thanh kiếm đeo bên mình tự cắt cổ chết. Bấy giờ là vào ngày 15 tháng 7, tự nhiên trời đất tối tăm, đang giữa ban ngày mà trời tối đen như ban đêm. Khi ấy ông Đông Bảng và ông Nam Bính cùng Thái tử Đoàn Văn nghe tin, bèn đem hết binh mã ra đánh nhau với ông Nộn. Hai bên đánh nhau đến 50 hợp vẫn chưa phân thắng bại.

          Than ôi! Lòng trời chẳng phù hộ họ Lý, hai ông cùng với Thái tử Đoàn Văn đánh nhau với Nguyễn Nộn từ tháng 8 cho đến ngày 25 tháng 12 thì cùng đều hóa cả. Sau khi các ông đã hóa cả rồi, nhân dân ở các địa phương ngày thường các ông có lập hành cung ở đó đều lập miếu thờ phụng. Phàm binh sĩ tượng voi của nhà Trần đi ngang qua miếu đại vương đều bị vật chết tươi. Vua Trần Thái Tông phải sắm sửa xe ngựa tự mình đi đến miếu thờ Đại vương làm lễ bái tạ, lại ban cho đại vương sắc chỉ, sai đem về trùng tu miếu mạo, cho dân trang Hà Khê lập miếu thờ phụng để hương lửa lưu truyền muôn đời không dứt. Từ đó về sau trải qua các đời Trần Lê, đều có công cứu nước giúp dân. Vậy nên các triều vua đều có sắc phong mỹ tự, để thờ cúng muôn đời, còn mãi cùng trời đất. Than ôi, tốt đẹp thay!