Thông tin
Giới thiệu chung
- Category: Thông tin chung
Thôn Hà Khê thuộc xã Vân hà, Đông Anh - Hà nội
Đầu thế kỷ XIX, địa bàn Vân Hà gồm 4 xã: Hà Khê, Thiết Bình, Vân Điềm, Thiết Úng thuộc tổng Hà Lỗ, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc.
Năm 1902, thành lập xã Cổ Châu.
Tháng 3 năm 1946, hợp nhất 4 xã: Thiết Úng, Thiết Bình, Cổ Châu, Hà Khê thành xã Thiết Hà Châu.
Năm 1949, sáp nhập xã Thiết Hà Châu và xã Vân Điềm thành xã Vân Hà thuộc huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Ngày 20 tháng 4 năm 1961, Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc sáp nhập xã Vân Hà thuộc huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh vào thành phố Hà Nội quản lý.
Ngày 31 tháng 5 năm 1961, Hội đồng Chính phủ ban hành 78-CP về việc xã Vân Hà thuộc huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội quản lý.
Hậu Thần bi ký 後神碑記
- Category: Lịch sử - Di tích
Chữ Hán:
<3197>
後神碑記
慈山府東岸縣浯溪社奉事碑記。
〇夫事有可傳則書之,書之不足則碑之,于以示盛儀美意於無窮也。
睠惟〇〇王府侍內監、司禮監同知監事、正隊長、泗忠侯阮公諱任,性天舒適,心地和平。孝以事親,宗族鄉黨稱其孝;忠而奉上,親朋故舊許其忠。潛邸之攀附有緣,禁闥之勤勞益力,人皆以賢內侍目之。
于斯時兮,〇〇聖上軫舊人,〇朝廷嘉宿輔,陟顯官,膺厚祿,河流汪洋而潤澤,樹影穠密以娑婆,近之悅之,遠之慕之。顧茲本社,久仰帡幪,深惟報答,胥相議曰:我公之於我邑,善以率人,恩而待眾,素矣。我等當如何以報之?行將事以神明,庶乎其可。雖然,報而無迹,則厥報弗章,何以明示於來世?是故報之有自,中古而下,往往皆然。今之計,孰若請我公為我邑構作大亭一座,架之以鉄林,蓋之以瓦片,匠功設祭,一一應辦。併留下膄田貳畝,用供他日黍稷之需。逮我公百年之後,當位于廟亭之左,每遇諱日,則本社具牲一口、炊一盤、酒一圩以祀之。遞年入席祈福,則供炊一盤。四時嘗先、節料等禮,亦隨宜敬祭,次于事神一席。而我公之〇尊爺亦列于廟亭之右,歲時歆祀,永永無窮,以全施報之義於萬世。
議成,具以前情來請。阮公知厚意,筦然從之。已而大亭屹立,宮垣有侐於中天;膄畝宏開,禾榖無窮於平地。做好人,做好事,做好鄉邑,聞見者咸器異之。事圓,因徵文以紀其實。
吁!施報,禮也。而施其所當施,報其所當報,豈非天理民彝之自然乎?後之生斯邑者,目是碑則思是德,心是德則愛是碑。香火之,俎豆之,常使此恩此德與日月同其光明,與山嶽同其悠久,則邑里仁厚之俗亦與之相為光明悠久矣。顧不韙歟!遂於是乎記。
旹
<3198>
皇朝正和萬萬年之二十三,龍輯壬午季春榖日立。
賜庚戌科同進士出身陪從工部左侍郎知水師,署中書監應川男鄧祝齋撰。
丙寅科首科,侍內書寫水兵番所使陶廷甲寫。
紹天東山安穫石匠局阮維仁鐫。
計開:
一田拾所,共貳畝:
一所棟通處田叁高;一所尋丕處田壹高;
一所爐𤬪處田壹高半;一所棟椿處田壹高半;
一所同葻處田貳高;一所同森處田貳高;
一所同經處田五高;一所沉不處田壹高;
一所買𨎠處田貳高;一所同差處田壹高。
一本社官員鄉色、姓名:
謝名洋、阮岸、吳有能、吳有財、吳時名、阮婁、吳公堅、阮成功、阮布、阮進朝、阮登春、阮名望、阮有進、阮有用、吳戒、阮仁賢、阮世財、吳時教、阮𥪞、阮文聲、阮炳、阮進奉、阮千年、吳進、謝【】、謝滝、吳時政、陳文宣、阮文調、吳時平、阮世【威】、吳公謹。
Phiên âm:
<3197>
Hậu Thần bi ký
Từ Sơn phủ Đông Ngàn huyện Ngô Khê xã phụng sự bi ký.
Phù, sự hữu khả truyền tắc thư chi, thư chi bất túc tắc bi chi, vu dĩ kỳ thịnh nghi mỹ ý ư vô cùng dã.
Quyến duy Vương phủ Thị Nội giám, Tư lễ giám Đồng Tri giám sự, Chánh đội trưởng, Tứ Trung hầu Nguyễn công huý Nhậm, tính thiên thư thích, tâm địa hòa bình. Hiếu dĩ sự thân, tông tộc hương đảng xưng kỳ hiếu; trung nhi phụng thượng, thân bằng cố cựu hứa kỳ trung. Tiềm để chi phan phụ hữu duyên, cấm thát chi cần lao ích lực, nhân giai dĩ hiền nội thị mục chi.
Vu tư thời hề, Thánh thượng chẩn cựu nhân, triều đình gia túc phụ, trắc hiển quan, ưng hậu lộc, hà lưu uông dương nhi nhuận trạch, thụ ảnh nùng mật dĩ sa bà, cận chi duyệt chi, viễn chi mộ chi. Cố tư bản xã, cửu ngưỡng bình mông, thâm duy báo đáp, tư tương nghị viết: “Ngã công chi ư ngã ấp, thiện dĩ suất nhân, ân nhi đãi chúng, tố hỹ. Ngã đẳng đương như hà dĩ báo chi? Hành tương sự dĩ thần minh, thứ hồ kỳ khả. Tuy nhiên, báo nhi vô tích, tắc quyết báo phất chương, hà dĩ minh kỳ ư lai thế? Thị cố báo chi hữu tự, trung cổ nhi hạ, vãng vãng giai nhiên. Kim chi kế, thục nhược thỉnh ngã công vị ngã ấp cấu tác đại đình nhất tọa, giá chi dĩ thiết lâm, cái chi dĩ ngoã phiến, tượng công thiết tế, nhất nhất ưng biện. Tính lưu hạ sấu điền nhị mẫu, dụng cung tha nhật thử tắc chi nhu. Đãi ngã công bách niên chi hậu, đương vị vu miếu đình chi tả, mỗi ngộ huý nhật, tắc bản xã cụ sinh nhất khẩu, xôi nhất bàn, tửu nhất vu dĩ tự chi. Đệ niên nhập tịch kỳ phúc, tắc cúng xôi nhất bàn. Tứ thời thường tiên, tiết liệu đẳng lễ, diệc tuỳ nghi kính tế, thứ vu sự thần nhất tịch. Nhi ngã công chi tôn gia diệc liệt vu miếu đình chi hữu, tuế thời hâm tự, vĩnh vĩnh vô cùng, dĩ toàn thi báo chi nghĩa ư vạn thế”.
Nghị thành, cụ dĩ tiền tình lai thỉnh. Nguyễn công tri hậu ý, quản nhiên tòng chi. Dĩ nhi đại đình ngật lập, cung viên hữu hức ư trung thiên; sấu mẫu hoành khai, hoà cốc vô cùng ư bình địa. Tố hảo nhân, tố hảo sự, tố hảo hương ấp, văn kiến giả hàm khí dị chi. Sự viên, nhân trưng văn dĩ kỷ kỳ thực.
Hu! Thi báo, lễ dã. Nhi thi kỳ sở đương thi, báo kỳ sở đương báo, khởi phi thiên lý dân di chi tự nhiên hồ? Hậu chi sinh tư ấp giả, mục thị bi tắc tư thị đức, tâm thị đức tắc ái thị bi. Hương hoả chi, trở đậu chi, thường sử thử ân thử đức dữ nhật nguyệt đồng kỳ quang minh, dữ sơn nhạc đồng kỳ du cửu, tắc ấp lý nhân hậu chi tục diệc dữ chi tương vi quang minh du cửu hỹ. Cố bất vĩ dư! Toại ư thị hồ ký.
Thời
<3198>
Hoàng triều Chính Hòa vạn vạn niên chi nhị thập tam, long tập Nhâm Ngọ quý xuân cốc nhật lập.
Tứ Canh Tuất khoa Đồng Tiến sĩ xuất thân, Bồi tụng Công bộ Tả Thị lang, Tri thuỷ sư, thự Trung thư giám, Ứng Xuyên nam Đặng Chúc Trai soạn.
Bính Dần khoa Thủ khoa, Thị nội thư tả Thuỷ Binh phiên Sở sứ Đào Đình Giáp tả.
Thiệu Thiên Đông Sơn An Hoạch Thạch tượng cục Nguyễn Duy Nhân tuyên.
Kê khai:
Nhất điền thập sở, cộng nhị mẫu:
Nhất sở Đống Thông xứ điền tam sào; nhất sở Tầm Vậy xứ điền nhất sào;
Nhất sở Lò Ngói xứ điền nhất sào bán; nhất sở Đống Thung xứ điền nhất sào bán;
Nhất sở Đồng Bông xứ điền nhị sào; nhất sở Đồng Sum xứ điền nhị sào;
Nhất sở Đồng Kinh xứ điền ngũ sào; nhất sở Chằm Bất xứ điền nhất sào;
Nhất sở Mái Trước xứ điền nhị sào; nhất sở Đồng Sai xứ điền nhất sào.
Nhất bản xã quan viên hương sắc, tính danh:
Tạ Danh Dương, Nguyễn Ngạn, Ngô Hữu Năng, Ngô Hữu Tài, Ngô Thì Danh, Nguyễn Lâu, Ngô Công Kiên, Nguyễn Thành Công, Nguyễn Bố, Nguyễn Tiến Triều, Nguyễn Đăng Xuân, Nguyễn Danh Vọng, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dụng, Ngô Giới, Nguyễn Nhân Hiền, Nguyễn Thế Tài, Ngô Thì Giáo, Nguyễn Trong, Nguyễn Văn Thanh, Nguyễn Bính, Nguyễn Tiến Phụng, Nguyễn Thiên Niên, Ngô Tiến, Tạ [], Tạ Long, Ngô Thì Chính, Trần Văn Tuyên, Nguyễn Văn Điệu, Ngô Thì Bình, Nguyễn Thế [Uy], Ngô Công Cẩn.
Dịch nghĩa:
<3197>
Văn bia Hậu Thần
Văn bia thờ phụng xã Ngô Khê huyện Đông Ngàn phủ Từ Sơn.
Ôi! Việc có thể lưu truyền thì nên ghi vào sách, viết sách không đủ thì có thể dựng bia, là để nêu cái nghi thức long trọng, tình cảm nồng hậu đến vô cùng vậy.
Mến nghĩ Vương phủ Thị Nội giám, Tư lễ giám Đồng Tri giám sự, Chánh đội trưởng, Tứ Trung hầu Nguyễn công tên huý là Nhậm, tính trời thư thái, tâm địa hòa bình. Thờ cha mẹ bằng đạo hiếu, họ hàng làng nước đều ngợi khen; thờ bề trên hết lòng trung, cố hữu thân bằng luôn công nhận. Nơi tiềm để thân cận có duyên, chốn cung cấm cần lao gắng sức, mọi người đều đánh giá là người nội thị có tài.
Vào lúc bấy giờ, Thánh thượng thương nhớ bậc kỳ cựu, triều đình khen ngợi bề tôi phò giúp cũ, nên được thăng chức quan cao, được nhận lộc hậu, ơn trạch thấm nhuần như sông nước mênh mang, bóng cây tươi tốt trong chốn sa bà, người gần thì vui vẻ, người ở xa thì mến mộ. Đến nay bản xã, được đội ơn che chở đã lâu, lòng đau đáu muốn báo đáp, bèn bàn bạc với nhau rằng: “Ngài của chúng ta đối với ấp ta, đem điều thiện để khiến người, dùng ân huệ để đãi dân, vốn thế đã lâu. Chúng ta biết phải báo đáp làm sao? Nên đem thờ như thần minh, ngõ hầu xứng đáng. Tuy nhiên, báo đáo mà không để lại dấu tích, thì việc báo đáp ấy không được biểu dương, thì lấy gì để bảo rõ cho đời sau được biết? Vì thế cho nên, báo đáp phải có lý do, từ đời trung cổ về sau, luôn luôn đều như thế. Nay bàn tính, chẳng bằng xin ngài chúng ta dựng cho làng ta một tòa đại đình, dựng bằng gỗ lim, lợp bằng ngói, thuê thợ, tế lễ, tất thảy đều đứng ra thực hiện. Với lại để lại cho làng 2 mẫu ruộng xấu, để chi dùng việc cúng tế ngày sau. Đợi sau khi ngài chúng ta trăm tuổi, thiết bài vị ở bên trái miếu đình, hằng năm vào ngày giỗ, thì bản xã sửa 1 con lợn, 1 mâm xôi, 1 vò rượu để cúng tế. Hằng năm vào đám cầu phúc, thì cúng 1 mâm xôi. Các tiết lễ cơm mới, lễ sắm tết quanh năm cũng tùy nghi cúng tế, lễ sau thờ thần một bậc. Còn ông cụ (bố) của ngài chúng ta cũng bày ở bên phải miếu đình, quanh năm thờ cúng, mãi mãi vô cùng, để trọn vẹn cái nghĩa thi báo đến muôn đời”.
Bàn xong, đem sự tình ấy đến thỉnh. Ngài Nguyễn công biết hậu tình, vui vẻ đồng ý. Từ đó, đình to dựng sừng sững, cung tường lặng lẽ ở giữa trời; ruộng xấu rộng thênh thang, thóc lúa bạt ngàn trên mặt đất. Người tốt, việc tốt, làng có tục tốt, người nghe người xem đều rất lấy làm lạ. Việc xong, đến xin tôi bài văn để ghi lại sự thực.
Ôi! Cho đi và báo đáp ấy là lễ vậy. Mà cho nơi đáng cho, báo điều đáng báo, chẳng phải điều tự nhiên của lý trời và phép dân ư? Đời sau, người sinh ra ở làng này, trông thấy tấm bia này thì nhớ đến đức ấy của ngài, lòng nhớ đến đức ấy thì phải yêu lấy tấm bia này. Hương khói, cúng tế ngài, luôn khiến cho ơn ấy đức ấy của ngài sáng ngời cùng nhật nguyệt, dài lâu cùng sông núi, như thế thì phong tục nhân hậu của xóm làng cũng sáng ngời, dài lâu cùng vậy. Chẳng đúng lắm sao. Vậy nay làm bài ký.
Bấy giờ là:
<3198>
Ngày lành tháng cuối xuân năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Chính Hòa thứ 23 (1702) dựng bia.
Đỗ Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Tuất (1670), giữ chức Bồi tụng, Tả Thị lang bộ Công, Tri thuỷ sư, thự Trung thư giám, tước Ứng Xuyên nam là Đặng Chúc Trai soạn.
Thủ khoa khoa Bính Dần (1686), Thị nội thư tả Thuỷ Binh phiên Sở sứ Đào Đình Giáp viết chữ.
Thạch tượng cục Nguyễn Duy Nhân người xã An Hoạch huyện Đông Sơn phủ Thiệu Thiên khắc bia.
Kê khai:
- Ruộng 10 thửa, tổng cộng 2 mẫu:
+ 1 thửa xứ Đống Thông 3 sào; 1 thửa xứ Tầm Vậy 1 sào;
+ 1 thửa xứ Lò Ngói 1 sào rưỡi; + 1 thửa xứ Đống Thung 1 sào rưỡi;
+ 1 thửa xứ Đồng Bông 2 sào; + 1 thửa xứ Đồng Sum 2 sào;
+ 1 thửa xứ Đồng Kinh 5 sào; + 1 thửa xứ Chằm Bất 1 sào;
+ 1 thửa xứ Mái Trước 2 sào; + 1 thửa xứ Đồng Sai 1 sào.
- Họ tên chức sắc quan viên bản xã:
Tạ Danh Dương, Nguyễn Ngạn, Ngô Hữu Năng, Ngô Hữu Tài, Ngô Thì Danh, Nguyễn Lâu, Ngô Công Kiên, Nguyễn Thành Công, Nguyễn Bố, Nguyễn Tiến Triều, Nguyễn Đăng Xuân, Nguyễn Danh Vọng, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dụng, Ngô Giới, Nguyễn Nhân Hiền, Nguyễn Thế Tài, Ngô Thì Giáo, Nguyễn Trong, Nguyễn Văn Thanh, Nguyễn Bính, Nguyễn Tiến Phụng, Nguyễn Thiên Niên, Ngô Tiến, Tạ [], Tạ Long, Ngô Thì Chính, Trần Văn Tuyên, Nguyễn Văn Điệu, Ngô Thì Bình, Nguyễn Thế [Uy], Ngô Công Cẩn.
Thần Hoàng Đình Làng - thôn Hà Khê
- Category: Lịch sử - Di tích
SỰ TÍCH ĐÔNG HẢI ĐẠI VƯƠNG
ĐÌNH HÀ KHÊ
(Ông Nguyễn Văn Chu - giao chuyển)
Xưa kia ở chợ Hồng Châu, quận Đông Hải, có một nhà họ Đoàn tên Trung, vợ là Nguyễn Thị Khang. Vợ chồng vốn là người tích đức tu nhân, cứu nghèo giúp khổ, một chút ý hại người chẳng mảy, nửa giây tơ tư lợi cũng không. Phàm những việc cứu giúp người đời và các phương làm phúc cứu dân, không có việc nào là chẳng gắng tâm tận sức vẹn tròn.
Một hôm, trời sáng trăng thanh, hai vợ chồng nằm chơi tại phòng đọc sách, thưởng hoa ngoạn nguyệt, bỗng nhiên mơ màng vào giấc, ánh sáng hồng rực rỡ đầy nhà, chợt thấy thằn lằn từ phía tây hiên đến, biến hóa thành một đôi khổng tước. Bà họ Nguyễn bắt được một con đem vê, mộng vàng chợt tỉnh. Từ đấy Bà mang thai, 11 tháng tròn, vừa ngày tháng tám, mùa thu năm Tân Sửu thì sinh một cậu con trai, khôi ngô tuấn tú, kỳ vĩ khác thường, cao lớn hơn thường vạn vạn. Cậu bé vừa đầy tuổi tôi đã biết nói, lên 5 tuổi đã tường âm luật, rất được mẹ cha yêu quý. Ông bà bèn đặt tên là ông Thượng. Năm 15 tuổi, đã tỏ ra có chí lớn, tài xoay trục đất, chí cứu nước giúp dân. Than ôi, cuộc đời thay đổi khôn lường, tai họa thường hay dồn dập. Năm 19 tuổi, ông mắc bệnh đồi qua đời; Bà mẹ cũng mất theo. Ông Thượng kêu khóc thảm thiết, kêu trời gọi đất. Thế tình chẳng biết làm sao, bèn chọn nơi đất tốt làm lễ mai táng. Hương hỏa thờ phụng suốt 3 năm liền. Ông thường khóc than rằng: “Bãi biển nương dâu thay đổi, cha mẹ ta tu nhân tích đức, ơn sinh dưỡng cù lao mà nay một chút chưa thể báo đền. Ngày sau dẫu có muôn chung nghìn vạc khôn gặp mẹ cha để được báo đền”.
Năm 23 tuổi, ông vào triều ứng thí, đỗ khoa Mậu tài. Vua (Lý) Cao Tôn liền phong làm Thị Tòng Tham Quan, trông coi chính sự trong triều. Được mấy năm, bấy giờ Hoàng tử mới sinh, Nhà vua bèn sai ông Thượng kén người nhũ mẫu trung thành để nuôi thái tử. Ông bèn tiến dâng bà nhũ trước đã nuôi mình để nuôi Thái tử. Đến ngày Nhà vua thăng hà, Thái tử lên ngôi Hoàng đế gọi là Thuận Tôn[1], thấy ông Thượng là người cùng nhũ mẫu với mình, bèn phong là Tham tán Đại phu, đeo gươm vào chầu, bước lên điện không phải đi nhanh. Từ ấy, ông trông nom công việc trong triều, trải qua đời Thuận Tôn đến đời Nghệ Tôn[2] là lúc nhà Lý sắp mất, ý trời cáo hung. Vua Nghệ Tôn không có con trai, lại mắc bệnh đậu (anh bệnh), chỉ sinh được hai người con gái, người con lớn tên là công chùa Thiên Hinh, gả cho Trần Liễu, người con thứ hai tên là công chúa Phật Kim, tư tình với Trần Cảnh. Thế là quyền lớn trong thiên hạ đều thuộc về họ Trần cả. Đến khi vua Nghệ Tôn xuất gia đi tu, bèn truyền ngôi cho người con gái út Phật Kim, gọi là Chiêu Hoàng. Chiêu Hoàng bèn truyền ngôi cho chồng là Trần Cảnh, gọi là Trần Thái Tôn. Lúc bấy giờ, các bậc trung thần nghĩa sĩ, đều từ chức lui về. Ông Thượng căm tức vô cùng, bèn rút kiếm bỏ chạy về Hồng Châu, kêu gọi dân chúng tụ hội bè đảng xây dựng đồn lớn, đào hào đắp lũy ở An Nhân, quay mặt về hướng Đông, mà xưng vương, tự lập làm Đông Hải Đại Vương, chống nhau với họ Trần. Họ Trần không sao chế ngự nổi. Khi ấy, đạo Kinh Bắc do Nguyễn Nộn chiếm cứ, ông Thượng muốn dành được cả vùng Đông Nam, để khôi phục họ Lý, bèn giao đồn lũy cho Thái tử Đoàn Văn coi giữ, tự mình thân đem xe ngựa và mấy chục gia thần đến đóng ở đất Tây Nam, chiêu dụ các cựu thần họ Lý, được một người tên là Đông Bảng, một người tên là Nam Bính.
Lúc bấy giờ ở trang Hồng Khê, huyện Duy Tiên, phủ Lý Nhân, nguyên trước kia tổ tiên của hai ông vốn là người ở châu Bố Chính, gặp buổi loạn ly, mới dời cư đến trang Hồng Khê. Trải 3 đời, mới sinh ra thân phụ hai ông là Phan Công Tá, bà mẹ là Dương Thị Khương. Ông bà cũng là người khoan hồng độ lượng, đạo cao đức cả.
Một hôm, nằm mơ thấy hai con gấu nhẩy múa ở trước sân. Một con từ phương Đông đến. Một con từ phương Nam đến. Bà họ Dương bắt được cả hai. Thế rồi, bà có mang. Đến ngày mồng 3 tháng giêng, mùa xuân, bà sinh một bọc hai trai, bèn theo mộng ứng đặt tên con lớn là ông Đông, người con thứ hai là ông Nam. Đến năm Nhâm Dần đời Lý Cao Tôn mở khoa cầu hiền, hai ông đều đăng khoa chiếm bảng, làm quan ở triều Lý tới chức Điện tiền chỉ huy sứ, đến khi họ Trần cướp ngôi, hai ông bèn cáo quan trở về trang Hồng Khê, ở nhà dạy học. Đến khi Đông Hải đại vương tới phủ Lý Nhân, hai ông nghe tin đại vương có chí tôn phò nhà Lý bèn đến theo. Nhân dân trang Hồng Khê làm lễ chúc mừng. Ông Thượng gặp được hai ông rất là vui vẻ, bèn nói với hai ông rằng: “Chúng ta có ba người, anh em xin đồng tâm hiệp sức khôi phục nhà Lý để lại tiếng thơm cho đời sau, há chẳng tốt đẹp lắm sao?”. Nói xong bèn sai các binh sĩ gia thần cùng nhân dân trang Hồng Khê xây dựng cung điện, tuyển chọn người khỏe mạnh ở trang Hồng Khê, mỗi họ mấy người, tổng cộng được 38 người dùng làm tay chân giúp việc, lại phát hịch kêu gọi hào kiệt ở các phủ huyện đồng tâm báo quóc, trượng nghĩa trừ tàn, nếu sau này bình yên, sẽ cùng nhau chung hưởng thái bình. Lúc bấy giờ người đén ứng mộ được hơn 2 vạn người, hội họp ở cung sở Hồng Khê, giết trâu mổ bò, khao thưởng tướng sĩ. Khi ấy ông Thượng cùng hai ông Đông Bảng, Nam Bính bèn cho mời các phụ lão ở trang Hồng Khê đến cùng uống rượu, chính lúc đó ba ông bèn nói rằng: “Bây giờ bọn ta, chạy đông chạy tây, ôm ấp ý chí khôi phục nhà Lý, há có thời giờ cùng nhân dân hưởng vui hay sao? Nay có hành cung ở ngay trong ấp dân; chúng ta lại ban cho 5 lạng vàng giao cho nhân dân mua lấy ao ruộng để làm nơi hương hỏa thờ thần sau này”. Lúc ấy phụ lão nhân dân, ai nấy vâng mệnh lễ tạ. Ba ông bèn đem tướng sĩ và gia thần quay trở về ấp chính An Nhân đánh nhau với nhà Trần, trước sau đến mấy chục trận, đều thu được toàn thắng. Họ Trần không sao chế ngự nổi.
Than ôi! Ngôi thần khí là rất tôn quý, mệnh trời có đó, không thể nào dùng tài trí mà mưu tính được. Một hôm nhà Trần bàn mưu với nhau rằng:
“Nay Đoàn Thượng, Nguyễn Nộn đều là hổ dữ ngồi ở miền đông bắc, mà nước nhà mới dựng, lòng người chưa phục, chưa thể dùng vũ lực định yên được, không bằng đặt mưu để cho Thượng, Nộn đánh nhau. Hai hổ chọi nhau, thế không cùng tồn tại được. Lúc bấy giờ ta sẽ thừa cơ tiến đánh ắt hẳn thành công và thống nhất được thiên hạ. Đó là kế thả hổ buộc rồng vậy”.
Lúc bấy giờ Trần Thái Tôn bèn gửi thư cho Nộn, bảo Nộn nếu như bắt được Thượng thì sẽ chia ba thiên hạ cho làm vua. Nộn biết được, bèn sai sứ đưa lễ đến cho Thượng xin giảng hòa, có lời rằng:
“Trước kia tôi vốn không biết ngài có chí phò Lý diệt Trần. Nay đã biết được, xin cùng hòa giải, để làm thế môi răng nương tựa nhau”.
Thượng vốn tính khoan hậu, đại lượng, cả tin tiếp đãi sứ giả của Nộn, bèn hẹn ước làm lễ ăn thề ở xứ Đồng Đao. Lòng ông Thượng rất tin, nên không phòng bị, chỉ mang theo mấy chục gia nhân đến xứ Đồng Đao. Chưa kịp làm lễ, quân mai phục của ông Nộn hò reo bốn phía kéo đến đánh úp bao vây mấy chục vòng. Ông Thượng vừa đánh vừa phá, không sao thoát ra khỏi vòng vây, bèn ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Đem quân ra trận, chưa đánh nhau mà thân đã chết, thật khiến cho kẻ anh hùng lệ thấm đầy vạt áo”. Than xong bèn rút thanh kiếm đeo bên mình tự cắt cổ chết. Bấy giờ là vào ngày 15 tháng 7, tự nhiên trời đất tối tăm, đang giữa ban ngày mà trời tối đen như ban đêm. Khi ấy ông Đông Bảng và ông Nam Bính cùng Thái tử Đoàn Văn nghe tin, bèn đem hết binh mã ra đánh nhau với ông Nộn. Hai bên đánh nhau đến 50 hợp vẫn chưa phân thắng bại.
Than ôi! Lòng trời chẳng phù hộ họ Lý, hai ông cùng với Thái tử Đoàn Văn đánh nhau với Nguyễn Nộn từ tháng 8 cho đến ngày 25 tháng 12 thì cùng đều hóa cả. Sau khi các ông đã hóa cả rồi, nhân dân ở các địa phương ngày thường các ông có lập hành cung ở đó đều lập miếu thờ phụng. Phàm binh sĩ tượng voi của nhà Trần đi ngang qua miếu đại vương đều bị vật chết tươi. Vua Trần Thái Tông phải sắm sửa xe ngựa tự mình đi đến miếu thờ Đại vương làm lễ bái tạ, lại ban cho đại vương sắc chỉ, sai đem về trùng tu miếu mạo, cho dân trang Hà Khê lập miếu thờ phụng để hương lửa lưu truyền muôn đời không dứt. Từ đó về sau trải qua các đời Trần Lê, đều có công cứu nước giúp dân. Vậy nên các triều vua đều có sắc phong mỹ tự, để thờ cúng muôn đời, còn mãi cùng trời đất. Than ôi, tốt đẹp thay!
Page 1 of 16