Phiên âm:
Nhị thập nhị nhật
Đại vương:
Tối tú tối linh;
Chí tinh chí túy.
Bẩm nhị khí chi lương năng;
Tác nhất phương chi chủ tể.
Ngự tai hãn hoạn, tứ thời vô tiểu vãng chi khiên;
Bảo cảnh an dân, bát tiết nạp đại lai chi huệ.
Tiết giai thuộc xuân nguyệt chi sơ;
Nhật hảo đinh nhị thập chi nhị.
Tịch nhưng kỳ cựu, tuyên dương nhạc khúc chi hòa;
Chế hoán duy tân, châm chước lễ văn chi bị.
Phục vọng:
Giám thử tinh thành;
Tích chi phúc chỉ.
Âm tướng hương trung lão thiếu, cộng nhập xuân đài;
Mặc phù cảnh nội sĩ nho, đồng đăng hiển vị.
Trí tư nhật dũ xí xương;
Toàn lại lượng hoằng phó tý.
Dịch nghĩa:
Văn tế ngày 22
Kính nghĩ Đức Đại vương:
Cực lạ cực thiêng;
Rất tinh rất túy.
Bẩm lương năng hai khí (âm dương);
Làm chúa tể một phương.
Ngừa tai ngăn vạ, bốn mùa không họa “nhỏ đi”;
Giữ cõi yên dân, tám tiết nhận ơn “lớn lại”[1].
Tiết đẹp thuộc tháng đầu xuân;
Ngày lành đúng hôm 22.
Hội theo nếp cũ, tuyên dương khúc nhạc hài hòa;
Chế độ đổi thay, châm chước lễ văn hoàn bị.
Cúi trông:
Soi xét tấc lòng thành;
Giáng ban cho phúc tốt.
Ngầm giúp già trẻ trong làng, cùng nhập đài xuân;
Âm phù học trò trong xã, cùng lên chức trọng.
Đến nay càng thêm hưng thịnh rực rỡ;
Đều là nhờ lượng cả Đức thánh ban cho.
[1] Nhỏ đi, lớn lại: dùng chữ trong quẻ Thái - Kinh Dịch có câu: “Tiểu vãng, đại lai, cát, hanh” (Nhỏ đi, lớn lại, tốt, hanh thông). Quẻ Thái tượng trưng trời đất giao hoà, âm đi, dương tới, đạo quân tử mạnh, đạo tiểu nhân tiêu nên rất tốt lành, hanh thông.